Tầng 3, số 34 Hoàng Cầu mới, Đống Đa, Hà Nội

QUẢNG TRƯỜNG BA ĐÌNH, LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC ĐIỂM THĂM QUAN GẦN LĂNG

 

1. Quảng trường Ba Đình

Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quảng trường Ba Đình có khuôn viên rộng với nhiều ô cỏ lớn là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, xen giữa là lối đi rộng 1,4 m. Giữa Quảng trường là cột cờ Tổ quốc.

Trước đây, Quảng trường là một khu vực nằm trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long. Năm 1894, khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã xây một vườn hoa nhỏ gọi là Quảng trường Tròn hay còn gọi là Quảng trường Pugininer. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng trường Tròn được đặt tên là Vườn hoa Ba Đình hay Quảng trường Ba Đình. Tại đây, ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Phủ Toàn quyền Pháp đổi tên quảng trường là Vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, quân ta về tiếp quản thủ đô và nơi đây lại được trả lại tên Quảng trường Ba Đình.

Trải qua bao biến cố lịch sử, Quảng trường Ba Đình đã trở thành một cái tên gần gũi và thiêng liêng, là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước; nơi mà mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế đều mong được một lần đến thăm; là địa điểm thường xuyên được chọn để tổ chức các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm lớn mang tính lịch sử của đất nước.

Quảng trường Ba Đình và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

2. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác)

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 2/9/1973 trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình.

Với kiến trúc độc đáo cùng ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, mỗi ngày, lăng Chủ tịch đón hàng nghìn lượt khách vào thăm viếng, đặc biệt lượng người càng đông hơn trong dịp Quốc khánh 2/9, 30/4.


Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lăng Bác

  • Nghi lễ thượng cờ và hạ cờ ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tới Hà Nội, ngoài các điểm di tích nổi tiếng, du khách cũng có thể đến xem nghi lễ thượng cờ và hạ cờ vào 6h và 21h hàng ngày tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

 

Lễ thượng cờ - Lăng Bác

Lễ Thượng cờ và hạ cờ ở quảng trường Ba Đình là một nghi lễ cấp quốc gia của Việt Nam, ý tưởng thực hiện nghi lễ trên quảng trường do BTL bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất và được Chính phủ phê duyệt vào năm 2001, đúng dịp kỷ niệm 111 năm ngày sinh Bác Hồ.

Lễ Thượng cờ và Hạ cờ do đội Tiêu binh danh dự thực hiện hàng ngày ở Lăng Bác.

Theo đó, những cán bộ, chiến sỹ Đội Tiêu binh danh dự có chiều cao từ 1m7 trở lên, quân dung đẹp và động tác điều lệnh đội ngũ chuẩn, được tập trung luyện tập.

Đội hình thực hiện lễ Thượng cờ và Hạ cờ gồm 37 đồng chí. Khối trưởng và vác Quân kỳ là sỹ quan. Còn lại, 3 đồng chí trong Tổ Quốc kỳ, 2 đồng chí bảo vệ Quân kỳ và 30 đồng chí thành 10 hàng ngang trong khối nghi lễ đều do chiến sỹ đảm nhiệm.

Cứ vào đúng 6 giờ sáng (mùa Hè) và 6h30 sáng (mùa Đông), đoàn thực hiện nghi lễ Thượng cờ khởi hành từ phía sau Lăng Bác. Dẫn đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ Quyết thắng. Kế đến là đội tiêu binh với 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn đi một vòng ra phía trước theo tiếng nhạc của ca khúc 'Tiến bước dưới quân kỳ' để đến chân cột cờ.

Lễ thượng cờ - Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

3 chiến sĩ đội hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức Thượng cờ, cũng là lúc cửa của Lăng Bác bắt đầu mở. Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca. Lá cờ Tổ quốc được kéo lên trên đỉnh của cột cờ cao 29 mét phía trước Lăng Bác.

Cùng lúc này nghi lễ chào cờ sẽ được bắt đầu. Sau lễ Thượng cờ, đội tiêu binh diễu hành một vòng trước cửa Lăng Bác rồi trở về vị trí cũ và kết thúc nghi lễ Thượng cờ.

Tương tự, nghi lễ Hạ cờ cũng sẽ được đội tiêu binh thực hiện vào lúc 21 giờ tối hàng ngày, lễ Hạ cờ được thực hiện với nghi thức tương tự như lễ Thượng cờ.

Lễ hạ cờ - Lăng Bác

 

Người dân Thủ đô Hà Nội những ai có dịp đi qua quảng trường Ba Đình, trước Lăng Bác vào sáng sớm hay buổi tối, đúng lúc nghi lễ Thượng Cờ và Hạ cờ thực hiện cũng trang nghiêm thực hiện theo nghi lễ chào cờ và hát Quốc ca với cảm xúc tự hào và thiêng liêng.

  • Giá vé vào Lăng Bác

Lăng Bác không thu phí tham quan, nhân dân trong và ngoài nước đều có thể đến thăm vào những ngày mở cửa.

  • Thời gian Lăng Bác mở cửa:

Ngày trong tuần

Mùa nóng
(từ ngày 01/4 đến ngày 31/10)

Mùa lạnh
(từ ngày 01/11 đến ngày 31/3 năm sau)

Thứ Hai

Không mở cửa

Không mở cửa

Thứ Ba

Từ 07 giờ 30 đến 10 giờ 30

Từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 00

Thứ Tư

Thứ Năm

Thứ Sáu

Không mở cửa

Không mở cửa

Thứ Bảy

Từ 07 giờ 30 đến 11 giờ 00

Từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 30

Chủ Nhật

Chú ý:

- Từ 15/6 đến 15/8 hàng năm: Lăng đóng cửa để tiến hành tu bổ định kỳ.

- Các ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày Quốc khánh 2/9, mồng 1 Tết Nguyên đán, nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu, vẫn mở cửa để người dân thăm viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

2. Các điểm thăm quan gần Lăng Bác

Phủ Toàn quyền

Phủ Toàn quyền hay còn gọi là Phủ Chủ tịch nằm trong trong khuôn viên quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra lễ đón các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ đến thăm chính thức Việt Nam.

Phủ Toàn quyền một trong những dinh thự lớn nhất được Pháp xây ở Đông Dương mang phong cách Pháp đặc trưng với với quy tắc đối xứng nghiêm ngặt và nhiều chi tiết trang trí cổ điển.

 

Phủ Toàn Quyền Đông Dương

 

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Nằm ở phía nam quảng trường Ba Đình, bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đi du lịch Hà Nội 1 ngày. Công trình này mang phong cách hiện đại với những mảng lớn, hình khối, đường nét mạnh mẽ.

Không chỉ là nơi trưng bày, lưu giữ những tài liệu, hiện vật, hình ảnh phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng còn có tầng triển lãm các chuyên đề về về hình ảnh của đất nước Việt Nam và các chuyên đề văn hóa, lịch sử thú vị khác.


Bảo Tàng Hồ Chí Minh

 

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột – công trình kiến trúc cổ độc đáo nằm ở khu vực quảng trường Ba Đình là một trong những địa điểm du lịch đẹp nhất Hà Nội. Được xây dựng từ năm 1049 (thời Lý), trải qua nhiều lần được sửa chữa và trùng tu đến năm 1955, chùa được phục dựng lại kiến trúc gần nguyên như thuở ban đầu.

 

Chùa Một Cột

 

Điểm ấn tượng nhất của chùa Một Cột là chùa nổi trên mặt nước, trông giống như một bông hoa sen mọc thẳng lên từ hồ, tỏa sáng rực rỡ trong ánh nắng sớm mai. Bên trong chùa có tượng Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất.